Trời mưa ngồi nhớ bánh xèo...
Mấy hôm nay trời đổ mưa, buồn tay buồn chân lại nhớ bánh xèo. Giờ này không gì thú bằng việc dụ các bà 8 cùng phòng, tống nhau lên một chiếc taxi, thẳng tiến ra Hai Bà Trưng, rẽ qua Đinh Công Tráng, rồi ngồi co ro ngước mắt ngây thơ chờ đợi từng chiếc bánh xèo vàng ươm được bưng ra...
Bây giờ, đổ bánh xèo cũng đã dễ dàng nhiều, không còn cao siêu như ngày xưa với cảnh cả nhà ngồi dài mỏ chờ người mang bột xay về, rồi quay quần đổ đổ chiên chiên, người ăn thì ngon người ngồi đổ thì lè lưỡi...
Bây giờ, cứ đi siêu thị là lại ti toe nhặt vài bịch bột bánh xèo Vĩnh Thuận, Tài Ký bỏ vào giỏ, để thỉnh thoảng lại lôi ra lôi vào ngắm nghía thèm thuồng, rồi xui xị cất trở lại vào tủ, chỉ vì không chống chọi được sự lười huyền thoại của mình...
Hôm rồi đi ăn bánh xèo Mười Xiềm, đi bâng quơ rồi ghé chân ở cái tiệm ồn ào náo nhiệt trên đường NKKN, cảm giác đã không còn như thuở mình được lúp xúp chở đi ăn trong một cái quán liêu xiêu ở Cần Thơ. Ngồi ăn, tự dưng lại tơ tưởng đến bánh xèo Phan Thiết, nhớ rõ cảm giác khi nhìn khói bốc lên từ gian bếp, nhớ chén nước chấm chua ngọt, nhớ vị tươi của con mực vừa bắt lên làm nhân bánh... Biết rõ ràng là đang đứng núi này trông núi nọ, ...nhưng đã gọi là nhớ, thì dù muốn, cũng có dừng lại được đâu...?
Tham khảo: gocbep.com
PS:
Vừa nhắn tin: "Mưa, thèm bánh xèo ghê, chồng!", thì tèng tèng nhận được reply "Lo ra quá đấy! Chiều Bố chở đi ăn!" kèm theo một icon rất xu nịnh gian xảo!
Thôi, thì không nhớ bánh xèo Phan Thiết nữa. Mười Xiềm cũng được! Em cam lòng!!! ;))
Bún thang
Nói vậy, chứ mình tự khen mình thôi, vì "chuột bạch" nhà này có vẻ không hào hứng lắm, dù mình đã công phu nấu hầu bạn ấy mấy bận! Hừ, sắt đá ghê gứm!
Kệ, nhưng cứ ép! Ngẫm nghĩ, nhà nào mà lại không có bạo lực cách mạng, nhể? (cười nham hiểm)
Công thức thu thập tham khảo từ nhiều nguồn, mọi thứ đều gia giảm tá lả theo khẩu vị và cảm hứng (nấu ăn mà rất moody mới ghê) khi nấu thực tế. Có lẽ vì vậy mà Mrs. Trương toàn bị mình xúi dại không à!!! Hối hận lắm, thật đấy! Chỉ còn biết chuộc lỗi bằng cách xách dép chạy thoát thân thôi!!! (vẫn còn nhớ xách dép!!)
Công thức 1: Sức sống mới
Công thức 2: Muivi.com
Nguyên liệu:
- 1 con gà mái tơ 1,5 - 2 kg.
- 200g chả lụa.
- 3 quả trứng vịt.
- 1 cái lạp xưởng.
- 300g tôm khô loại thật ngon, to.
- 3 cái trứng muối.
- 2 kg xương đuôi heo.
- 1 chén củ cải ngâm nước mắm
- Bún.
- Tinh dầu cà cuống
- Mắm tôm.
- Rau răm, hành lá, gừng, hành tím.
- Muối, tiêu đường, bột ngọt, nước mắm.
Cách làm:
- Hành tím 10 củ, gừng 1 nhánh bằng 2 ngón tay, để nguyên vỏ nướng chín, hành lột bỏ vỏ đen, gừng thì gọt lớp vỏ cháy đen đập đập.
- Tôm khô rửa sơ.
- Xương đuôi heo mua về rửa nước muối cho thật sạch, đun nước thật sôi thì cho từ từ từng miếng xương vào, vớt bọt cho thật kỹ, nêm chút muối + hành củ nướng + gừng nướng + tôm khô.
- Gà rửa sạch, cho gà vào nồi nước lạnh + chút muối, bắc lên bếp đun sôi, vớt bọt, gà chín thì vớt ra rửa lại bằng nước lạnh cho thật sạch. Lấy 2 ức gà ( không da, xé thật nhuyễn để riêng, phần cánh đùi chặt từng miếng vừa ăn bày ra dĩa nhỏ, úp phần da lên trên cho đẹp. Nước luộc gà + xương gà cho vào nồi nước hầm xương heo, nhớ phải vớt bọt cho thật kỹ đấy nhé.
- Trứng đập ra tô đánh vừa tan, lược qua rây, cho vào chút xíu nước cho trứng không đặc quá. Dùng chảo láng hoặc chảo không dính cho dầu vào láng qua một lớp mỏng, chào vừa nóng thì cho trứng vào tráng đều, trứng càng mỏng càng đẹp. Cuộn trứng lại thái chỉ.
- Chả lụa thái sợi.
- Vớt tôm khô trong nồi nước dùng ra, để ráo, giã cho nát rồi cho lên chảo chấy thật bông, khô.
- Trứng muối luộc chín, chỉ lấy lòng đỏ thái khoanh.
- Lạp xưởng hấp chín thái vát thật mỏng.
- Rau răm và hành lá xắt nhỏ.
- Khi nồi nước dùng đã tiết hết nước ngọt, lọc lại bỏ xương + gừng +..., lược lại cho nước trong bằng vài mùng, nêm: muối + bột ngọt + chút xíu nước mắm + đường ( nếu bạn là người Nam, người Bắc thì không) sau đó đặt lên bếp giữ nóng bỏng suốt bửa ăn.
- Bún trụng qua nước sôi cho nóng, cho vào tô, bày lên mặt bún: 1 khoanh trứng muối + 1 nhúm tôm khô + 1 nhúm chả lụa + trứng tráng, vài lát lạp xưởng + 1 nhúm thịt gà xé sợi, trên cùng rắc rau răm và hành lá, rải chút tiêu và dội nước dùng lên trên.
Món này dùng chung với 1 chút cà cuống + mắm tôm mới đúng điệu Hà Thành, ăn kèm gà luộc chặt miếng và củ cải ngâm nước mắm là cách ăn xa xưa của người Hà nội được nhắc đến qua những tác phẩm của bậc thầy ẩm thực Vũ bằng, nếu không thích các bạn có thể bỏ ra cũng không sao. Nhưng theo Vũ Bằng thì hàng thang ngày xưa của bà Ẩm ( một nghệ nhân nấu thang rất nổi tiếng) tại chợ Đồng Xuân thì các thành phần là như vậy.Món này dùng thật nóng mới ngon.
Trúc Đài
Công thức 2:
1. Nước dùng
Gà ta khoảng 1,5 kg. Sau khi làm sạch. Luộc vừa chín tới, vớt ra, gỡ lấy da, nạc, để riêng. Cho lại phần xương, đầu cánh vào nồi nước với khoảng 300 gram tôm bạc hoặc tôm he + 1 kg. đầu gà đã làm sạch + 20 tai nấm đông cô (nấm hương) + 150 gram hành tím nướng + 50 gram gừng. Thêm nước cho được khoảng 5 lít, hầm lấy chừng già 4 lít nước dùng, lọc lược lấy nước dùng; để riêng nấm, cắt bỏ gốc rễ, tùy ý nêm nước dùng với chút muối cho đậm đà, không nêm mặn.
Tôm bạc hay tôm he tươi thân có sắc trắng, khi nấu nước sẽ không đen. Tùy ý dùng tôm tươi hoặc thay bằng tôm khô con lớn.
Sắp hành tím vào vỉ kẹp để có thể nướng trên lửa cho cháy đều vỏ ngoài, rửa hành cho sạch bụi than trước khi cho vào nồi.
Tùy ý dùng đầu gà cho tiết kiệm hoặc có điều kiện cứ hầm thêm nguyên cả con gà cho ngon nước dùng.
2. Để thịt gà luộc cho thật ráo, nguội mới cắt sợi. Nếu làm nhiều, gói kín, để vào tủ lạnh qua nửa ngày, thịt sẽ săn ngon hơn.
3. Chả lụa cắt sợi nhỏ.
4. Ruốc tôm (tôm chà bông): Tôm tươi con nhỏ, hấp chín, lột vỏ, chỉ lấy nạc tôm, không lấy phần thịt đầu, để thật ráo, giã nhỏ, gỡ tơi ra, xào lại trong chảo nhỏ lửa cho thật khô tôm. Nếu thích, sau khi tôm tơi ra, chà từng nhúm tôm lên một mặt nhám như rây, rổ rá cho tơi thành dạng bông.
5. Trứng vịt đánh tan, không nêm nếm, đổ tráng thật mỏng, để nguội đến khô dai, cắt sợi nhỏ.
Kỹ thuật tráng trứng:
Dùng chảo đáy phẳng đường kính chừng 25 – 30 phân, có chảo không dính càng tốt.
Bếp Bắc xưa chỉ dùng trứng vịt, trứng gà không ngon bằng. Đánh thật tan trứng, không nêm nếm gia vị.
Dùng một cái vá vừa đủ để lường một lượng trứng cho vào chảo là vừa đủ láng một lớp trứng càng mỏng càng tốt.
Canh lửa vừa nóng ấm chảo, có thể chạm nhẹ tay vào chảo mà không phỏng.
Dùng một cái cọ mỏng sạch, nhúng dầu ăn hoặc mỡ gà nước (thắng ra từ mỡ gà tươi) quét lên đáy chảo một lớp mỏng dầu hoặc dùng đũa gắp một miếng mỡ gà tươi chà nhanh vào chảo để vừa đủ láng chảo.
Đổ vá trứng vào chảo, cầm quai chảo đảo thật nhanh để trứng láng đều một lớp lên đáy chảo. Thao tác cần thật nhanh, gọn chỉ trong vài giây. Để qua mươi lăm giây nữa cho khô mặt trên rồi lóc gỡ trứng trở mặt cho chín mặt dưới. Cần phải thực hành nhiều lần để thuần thục động tác. Mỗi miếng trứng chỉ tráng trong khoảng 3 - 4 phút là nhiều. Lóc trứng ra, vắt lên thành rổ rá, khay mâm…để qua 2 giờ, trứng sẽ rất dai, sẵn sàng để cắt sợi.
Sau khi đổ một hai miếng trứng lại làm láng chảo bằng dầu mỡ. Bếp Bắc truyền thống chỉ dùng mỡ gà tươi để láng chảo đổ trứng cho nên trứng luôn có mùi thơm mỡ gà rất nhẹ nhàng
6. Phụ gia:
Củ cải trắng cắt sợi cỡ thân đũa, ngắn chừng 3 phân, phơi nắng cho tóp lại còn bằng 1/3, ướp trộn nước mắm nêm muối đường vừa miệng với chút tỏi ớt vừa đủ cay nhẹ, thơm tỏi… Lượng nước mắm chỉ cần vừa đủ thấm ướt cải, để qua hai ngày là dùng được.
Ngò, rau răm, hành lá cắt nhỏ. Cần có rau răm để làm dậy vị thịt gà.
Nước mắm, mắm tôm, cà cuống, chanh ớt.
Bún sợi nhỏ. Trụng bún với nước sôi có gừng nếu thích.
7. Trình bày món ăn
Chia bún vào tô, sắp thịt gà, chả, trứng, tôm chà bông…mỗi thứ một ít lên mặt tô bún cho đẹp mắt với một hai tai nấm đông cô, hành răm để chính giữa, chan nước dùng thật nóng vào.
8. Tùy khẩu vị để nêm mắm tôm hoặc nước mắm. Nếu dùng mắm tôm nên cho nửa muỗng cà phê mắm tôm cùng với hành răm, châm nước dùng vào ngay mắm để hòa tan mắm đều vào tô bún. Nếu có cà cuống cho vào vài giọt ngay khi vừa châm nước dùng xong. Dọn kèm củ cải muối, dĩa chanh ớt tươi.
Cháo hàu hạt sen
Sưu tầm được món này, copy lên đây để vỗ béo cho chồng còi nàooo!!!
Tham khảo Sức sống mới
- 6 con hàu lá, rửa sạch cát, ngâm qua nước đá cho hở miệng, cạy lấy thịt, cắt làm tư
- 250g gạo ngon
- ¼ củ gừng, thái sợi một ít, phần còn lại băm nhuyễn
- 1 muỗng cà phê tỏi băm
- 1 xâu hạt sen khô, luộc mềm
- 100g nấm rơm, rửa sạch, cắt đôi
- ¼ củ cà rốt, gọt vỏ, cắt hạt lựu
- Hành lá, ngò rí, rau răm, rửa sạch, thái nhuyễn
- Một ít hành phi
- 200g cải bẹ xanh, bỏ bớt lá, thái mỏng
- 100g giá sống
- Gia vị gồm: hạt nêm từ thịt, nước mắm ngon, muối, đường, tiêu, dầu ăn.
Thực hiện:
- Vo gạo, cho vào nồi với 3 lít nước nấu chín.
- Cho cà rốt, nấm rơm, hạt sen vào cháo tiếp tục nấu rau củ chín.
- Đun nóng dầu, phi thơm tỏi và gừng băm, cho hàu vào xào vừa săn.
- Nêm hạt nêm từ thịt, nước mắm ngon, muối, đường vào cháo, nếm vừa ăn. Cho thêm gừng xắt sợi vào.
- Cuối cùng, cho hàu vào cháo, tắt lửa ngay để hàu không bị teo.
Thưởng thức:
- Dọn cháo ra tô hoặc lẩu (nếu muốn dùng nóng). Nêm hành lá, ngò rí, rau răm, hành phi, tiêu xay vào.
- Ăn kèm với cải bẹ xanh, giá. Chấm kèm nước mắm ngon và pha với ớt xắt khoanh.
Lưu ý:
Hàu có hai loại: hàu lá và hàu sữa. Hàu lá con lớn, thường dùng để nấu, nướng hoặc đút lò. Thịt giòn và ngọt.Hàu sữa con nhỏ hơn, thường dùng để ăn sống, trộn gỏi. Thịt béo hơn hàu lá. Khi chọn hàu, nên chọn loại nặng, chắc, còn sống và không có mùi hôi.
Sáng...
Sáng nay mình dậy sớm, chuẩn bị thức ăn sáng cho hai vợ chồng. Hai đứa ăn vội vã, nói với nhau được vài câu thì taxi đến. Đưa bạn ấy ra xe, mình vào nhà, uống cà phê, suy nghĩ vẩn vơ rồi chuẩn bị cho một ngày đầu tuần nhiều việc...
Từ cửa sổ nơi mình ngồi, bầu trời xám xịt u ám. Thi thoảng, mình lại ngước lên nhìn, dán mắt vào cái màn xám sũng nước, để rồi không thể rời khỏi nó.... Mình nghĩ, đâu đó, chồng mình đang chống chọi với cái tật ù tai cố hữu mỗi khi đi máy bay, đang gắn cái earphone nghe nhạc vào tai và cố gắng thiêm thiếp ngủ... Hay chồng mình cũng thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ, dõi theo những đám mây xám xịt, như mình, lúc này...
Thật lạ, chưa gì mà mình đã thấy nhớ bạn ấy. Kể từ giây phút bạn cười chào tạm biệt mình, lúc bạn đóng cửa taxi, lúc bạn ngồi ở phòng chờ và nhắn tin trả lời rằng bạn cũng nhớ mình...
Mình chợt nghĩ, cuộc sống là như thế, ý nghĩa cuộc sống là như thế: một chuỗi những cuộc vật lộn và cả những khoảng lặng. Cho dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, thì sớm muộn hoàn cảnh cũng sẽ thay đổi...
Mình chợt nghĩ, có lẽ, mình đang rơi vào một khoảng lặng hiếm hoi... Và có lẽ, dù ấm êm thế nào, thì sớm muộn cuộc sống sẽ thay đổi, vào lúc chúng ta ít ngờ nhất...
Nhưng trước khi những điều đó xảy ra, thì mình phải rất ngốc xịt mới không nhận ra rằng, mỗi giây phút của hiện tại thật quý giá biết bao...
Dù ngay trong khoảnh khắc này, khi mình đang nhận thức được một cách sâu sắc rằng hai vợ chồng mình đang mỗi lúc càng xa dần nhau, bằng khoảng cách địa lý, thì sự liên kết vô hình vẫn âm thầm bao bọc xung quanh mình... Dù mình nhận thức tình yêu và cuộc sống chung sẽ không mãi là những cảm xúc cao trào, nhưng điều đó có hề chi?
Đôi khi, buồn và nhung nhớ cũng là một chuỗi những cảm xúc đẹp. Giống như một buổi sáng tình cờ bỏ vào máy một đĩa nhạc cũ...và giật mình vì sực nhớ đâu đó cảm giác buồn đau của quá khứ - tưởng không thể quên, mà hóa ra đã quên sạch sẽ, từ rất lâu rồi...
Chao ôi là bạc bẽo! ;D
Cuối tuần ối aa cuối tuần...
Thứ bảy: Bún nước lèo Cà Mau + nước sâm.
Công thức Bún nước lèo Cà Mau.
Chủ nhật: Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng + chuối chưng.
Công thức Bánh tráng phơi sương.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Chợ nhà mình phải nói là trên cả tuyệt vời. Hải sản, đặc sản miền Trung, miền Tây, miền Bắc, thậm chí của Trảng Bàng, Tây Ninh cũng có.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng thì cực kỳ đơn giản, chỉ cần một khúc giò lóc bỏ xương, rau sống, bánh tráng, nước mắm chua ngọt là có thể măm măm. Siêng hơn một chút thì nấu thêm 1 tô bánh canh giò ăn cho ấm bụng...
- 500 gr thịt đùi bắp
- 1 xấp bánh tráng phơi sương
- Rau các loại để ăn kèm gồm: lá cóc, lá trâm ổi, lá soi nhái, lá lụa, đọt vừng, đọt lá xộp, lá bứa, lá mặt trăng, lá sao nhái, lá ô dước, lá săng dẻ, lá quế vị
- 10g củ kiệu, 10g cà rốt, 10g củ cải ngâm chua ngọt
- 10g giá sống
- 1 quả dưa leo, thái miếng dài
- 1 quả dừa tươi
- Gia vị làm nước chấm: Nước mắm ngon, đường, chanh, ớt băm, 4 muỗng súp nước dừa tươi.
Thực hiện:
- Cho nước dừa vào nồi đun sôi, cho thịt vào luộc vừa chín.
- Lấy thịt ra, xả với nước lạnh, sau đó thái miếng dày vừa ăn.
Làm nước chấm:
- Pha 2 muỗng súp nước mắm ngon, 1 muỗng súp đường, cho 2 muỗng súp nước cốt chanh, 1 muỗng cà phê ớt băm và 4 muỗng súp nước dừa tươi để tạo thành hỗn hợp nước chấm có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt...
Hủ tiếu Nam Vang
Dậy sớm để nấu đồ ăn sáng. Trời mưa to. Hai vợ chồng ngồi ăn nhẩn nhơ ngắm mưa, thấy rất bình yên và tươi tỉnh. Uống thêm một tách cà phê thì ra khỏi nhà. Mưa dứt hẳn, nhưng sẽ ngập lụt và kẹt xe lắm đây...
Đinh ninh là nhà còn tôm sú nên không mua. May mà lục ra được tép bạc đất trong tủ lạnh. Hình thức không đẹp, nhưng ngọt thịt hơn...
Tham khảo Sức sống mới.
Công thức này rất chi tiết và dễ hiểu, được chính anh Ty Lum của quán Ty Lum hướng dẫn.
Nước sauce để ăn hủ tiếu nấu khô:
- 1 phần hắc xì dầu ( dark soy sauce )
- 1/2 đường cát
- 1 phần nước lèo của hủ tiếu
- dầu tỏi ( tức là tỏi phi với dầu ăn )
Khi ăn cho vào tô tỏi phi + dầu tỏi + 1 muỗng soup hắc xì dầu + 1 chút xì dầu ( light soy sauce ) + giấm đỏ , ăn kèm thêm tương ớt + ớt ngâm dấm .
Chúc mọi người một ngày tốt lành!
Tập trung nghĩ đến hai ngày cuối tuần trước mắt!!! ;-))
Bún Bò Huế
Công thức 1: Công thức này có chả cua!! Chẹp, chẹp, sẽ mần sẽ mần theo!
Nguyên liệu (cho 20 tô bún, oái)
- Xương bò hay xương cùi heo 1,5kg, trứng gà 1 quả
- Thịt bò bắp 0,5kg, sả 10 tép
- Chân giò heo trước và cốt lết 2kg, dầu 100gr
- Thịt nạc quyết 300gr, nước mắm 100ml
- Thịt cua gạch 0,5kg, ruốc 50gr
- Hạt điều 2 muỗng café, muối 50gr
- Bún gạo tươi 2,5kg, tiêu 50gr
- Ớt trái 5 quả, ớt màu 50gr
- Chanh 3 quả, hành tây 2 củ
- Hành lá, ngò, tỏi củ 100gr, đường 100gr
Cách thực hiện
Giai đoạn 1
1. Xương bò hay xương heo chặt nhỏ, ngâm vào nước lạnh 30 phút, nước có pha 5% muối. Sau đó, rửa sạch để ráo.
2. Giò heo cạo sạch, rửa sạch. Chặt từng khoanh dày 2 phân, cố gắng chặt ít lát kẻo xương vụn quá nhiều ẩn trong thịt khi ăn rất dễ hỏng răng.
3. Hạt điều phi dầu.
4. Cua tách lấy gạch sống, mình cua luộc chín ráy nạc.
5. Sả đập dập, cắt khúc bó lại.
6. Hành tây xắt mỏng, hành lá xắt khúc, ngò xắt nhỏ.
7. Chanh cắt múi, ớt xắt khoanh và tỉa hoa.
Giai đoạn 2
1. Ðổ vào soong 3 lít nước, chờ nước sôi bỏ xương vào nấu trước 1 giờ, rồi cho thịt bắp bò vào cùng với 1 muỗng café muối, 1 củ hành cùng bó sả. Khi nước sôi, hạ lửa vừa và thường xuyên vớt bọt cho nước trong.
2. 30 phút sau cho chân giò vào soong cho lửa vừa, tiếp tục vớt bọt cho trong nước dùng. Thịt nào chín mềm trước thì vớt ra dần, không để chín rục quá.
3. Múc 2 muỗng canh ruốc, quấy nước cho tan ở chén. Ðặt soong nhỏ đổ vào 2 tô nước đặt lên bếp rồi cho nước ruốc vào nấu sôi liên tục, vớt cho hết bọt rồi đổ soong nước ruốc vào soong nước bún. Nêm hành tây, tỏi đã xắt nhỏ, nước mắm, đường, tiêu, muối cho vừa ăn.
4. Giã nhuyễn cua và gạch cua. Cho trứng, thịt quết vào giã lại cho đều, thêm màu hạt điều vào và sau đó nêm gia vị và hành tỏi băm nhỏ.
5. Múc từng viên chả cua thả vào soong nước bún đang sôi mạnh. Khi thấy chả nổi lên là chín.
6. Dầu vừa sôi ở chảo bắc xuống, để một lúc cho một muỗng canh ớt màu vào hoặc đổ dầu ra chén có ớt màu, rồi cho vào soong nước bún.
7. Tiếp tục đặt chảo dầu sôi cho hành vào phi để có mùi thơm rồi cho vào soong bún.
8. Tương ớt hòa chung 2 muỗng ớt màu và 1 muỗng đường, 0,5 muỗng nước mắm và 2 muỗng canh nước lã quậy đều. Ðợi dầu sôi rồi phi tỏi cho thơm, đổ chén ớt vào xào một lát khi thấy rền nhắc xuống đổ ra chén.
9. Thịt bắp bò xắt to bảng dày cỡ 3 ly.
Giai đoạn 3
Khi ăn để bún vào tô (20 tô), múc thịt bò, giò, cua và nước bún đang sôi chan vào tô bún. Rắc hành ngò, bỏ hành tây xắt lát mỏng, tiêu thơm.
Có chén nước mắm, tương ớt, chanh, ớt trái để người ăn tự gia giảm hợp khẩu vị.
Yêu cầu cảm quan
Nước dùng trong, nổi màng đỏ, vàng, có vị ngọt của thịt, cua, sả, thơm mùi thịt bò. Thịt giò phải chín, mềm, có mùi thơm đặc trưng. Thịt cua phải thơm, nhai có cảm giác chắc như giò heo vậy.
- Nên ăn trong tô dày để giữ lâu độ nóng.
- Mùa đông lạnh thì chao bún cho nóng, sau hãy múc nước bún vào.
- Bún bò Huế nguyên bản là không ăn kèm với rau sống.
- Xưa con bún to gấp hai con bún bây giờ. Màu trắng đục đó là bún gạo, nguyên chất, ngon nhất là bún chợ Tuần vì làm bún lấy nước đầu nguồn sông Hương. Huế sau này thì có bún làng Vân Cù.
Lựa bún khô, rời nhau là ngon. Nếu nhìn dính nhau, trong và nhão thì tô bún sẽ dở. Bún bị nguội không đạt tiêu chuẩn là bún có cảm giác chua.
Tôn Nữ Thị Hà
Nguồn: Muivi
Công thức 2: m2
Nguyên liệu:
- 1/2 chân giò heo cỡ vừa
- 3 - 4 lạng bắp bò (hoặc thịt nạm, m2 không thích nhiều mỡ nên chọn bắp chuột)
- 1 muỗng cà phê đầy mắm ruốc Huế (nhớ đừng mua lộn mắm ruốc Nam, tiêu cả nồi bún luôn ớ)
- 5-6 tép sả cây
- Muối/bột nêm, nước mắm ngon
- 2 muỗng cà phê hạt điều màu, 1/2 muỗng cà phê ớt bột
- 1/2 củ hành tây nhỏ, hành lá, rau răm
- Rau ăn kèm: bắp chuối, rau muống chẻ, giá, rau thơm các loại
- 1/2 kg bún sợi to
- Chanh, ớt
Cách làm:
Chân giò heo cạo sạch lông, rửa sạch, chặt khoanh, trụng qua nước sôi, để ráo. Thịt bò rửa sạch.
Hòa tan mắm ruốc Huế trong một chén nước lạnh, nhè nhẹ đổ nước vào nồi (nhớ đổ nhẹ nhàng và chừa lại cặn, vì trong mắm thường có cát). Cho thịt vào nồi nước mắm ruốc, nêm thêm một chút xíu muối (khoảng 1/2 muỗng cà phê muối, nếu quen ăn có vị bột ngọt thì cho thêm chút bột ngọt hoặc thay muối bằng bột nêm), 1 muỗng canh nước mắm ngon, đập giập 4-5 tép sả, vắt 1/8 trái thơm (dứa) lấy nước cho vào, rồi đảo kỹ cho thịt ngấm đều gia vị. Đậy kín, ướp thịt trong khoảng 30' cho thấm (Nếu không có nhiều thời gian thì bỏ qua giai đoạn ướp này cũng được).
Đổ nước vào nồi ướp thịt cho nước cao hơn bề mặt thịt khoảng 2 lóng tay, nấu cho sôi bùng lên, hớt bọt rồi hạ nhỏ lửa, hầm thịt trong khoảng 30' - 40', tiếp tục vớt bọt cho nước được trong. Nếu nước cạn thì châm thêm nước cho ngập thịt, đừng để thịt bị ló lên trên mặt nước sẽ bị khô và thâm đen. Thăm chừng lúc giò vừa mềm thì vớt giò ra trước. Có thể trụng giò qua nước lạnh pha chút muối cho giò hơi nguội trước khi xếp lên đĩa để miếng giò không bị khô mặt & đen khi để lâu. Hầm tiếp khoảng 30'-40' nữa cho bắp bò vừa mềm. Khi bắp mềm, vớt ra, trụng sơ nước lạnh cho nguội rồi xắt mỏng.
Xem lại lượng nước trong nồi, nếu thiếu thì cho thêm cho đủ 5 - 6 tô, nêm lại, nếu chưa đủ mặn và thấy thiếu mùi ruốc thì nêm thêm mắm ruốc (hòa ruốc vào nước lạnh trước khi nêm vào) cho vừa khẩu vị.
Cho 2 muỗng súp dầu ăn vào chảo nhỏ, để lửa nhỏ. Dầu nóng, cho hạt điều màu, ớt bột (nếu ăn được cay) và 1 tép sả bằm nhỏ vào đảo đều khoảng 1-2 phút. Khi dầu trở màu đẹp và dậy mùi thơm của ớt, sả thì tắt bếp. Nhớ để lửa nhỏ vì hột điều và ớt rất dễ bị cháy khét. Lược dầu đã phi qua rây vào nồi nước.
Hành tây lột vỏ thái ngang mỏng, hành và rau răm xắt nhuyễn.
Rau sống ăn kèm rửa sạch.
Nếu thích ăn ớt sa-tế, có thể tự làm bằng cách xào ớt bột và sả bằm với dầu ăn.
Trình bày:
- Cho rau vào đĩa, để riêng mỗi loại một góc.
- Ớt xắt lát xéo mỏng, chanh xắt miếng vừa cho vừa vắt vào từng tô, cho vào đĩa nhỏ.
- Cho bún vào tô, trải bắp bò xắt mỏng lên trên, thêm vào mỗi tô 2 khoanh giò, đổ nước lèo đang sôi vào trụng qua cho nóng, trải một ít hành tây xắt mỏng và rắc hành răm lên trên tô bún, múc nước ngập bún và thịt.
- Nếu thích, có thể cho thêm chả Huế, chả lụa vào tô bún.
Thế là xong, vắt chanh, nêm ớt, rồi cho rau vào măm măm thôi nhỉ?
Daily Multivitamin
Vợ chồng mình plan có em bé vào năm sau, nên nửa năm nay đã chuẩn bị nhiều thứ linh tinh: đi khám tổng quát, chích ngừa rubella, bổ sung thêm sắt, chế độ ăn uống nghỉ ngơi cho bố mẹ...
Cái món uống thêm sắt được thay bằng việc tọng 1 viên multivitamin vào mồm mỗi sáng. Thiệt là cực hình. Vì ngay cả khi uống sau bữa ăn sáng, nó vẫn làm mình cồn cào ruột gan, choáng váng ít nhất 30 phút mới yên. Thế là đứa bạn dược sỹ của mình bày cho cách cắt nhỏ viên thuốc ra làm hai để uống và tăng dần lên 1 viên mỗi ngày....
Được 1 - 2 tuần thì bớt, nhưng lỡ quên uống một vài hôm, quay trở lại thì vẫn choáng váng i xì... Tình hình là hơi vật vã! ;(
Có bạn nào bị giống như mình không? Cho mình thông tin với?
Daily multivitamin theo mình biết thật sự rất cần thiết...Ngay cả khi không định có em bé. Nên mới kiên trì đeo đuổi, dù kể ra cũng tơi tả lắm rồi...
Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy...
Buổi sáng, đón tiếp người bác từ xa ghé thăm nhà. Ăn sáng, hàn huyên.
10h chuồn ra khỏi nhà, xem Bá Vương Đường phố (tựa phim dịch ớn, cứ tưởng phim Tàu). Gặp lại anh Keanu Reeves đẹp trai mặt buồn rười rượi tuy đã chớm già. Tan rạp. Ăn trưa ở ngoài.
Chiều, chồng nhớ tha thiết công ty nên vào văn phòng cho nguôi ngoai, trong khi vợ đi shopping, lượn lờ nhà sách. Đón nhau về nhà, đi chợ mua hải sản về nướng. Ốc hương mùa này mắc kinh khủng mà bé xíu. Tôm sú cũng không được như ý, nhưng chợ chiều thì không thể trông đợi nhiều. Đành! Dọa dẫm năn nỉ khóc lóc Mẹ pha cho tô nước mắm. Lại ăn.
2. Đang đọc cuốn này "Booty Nomad", rất buồn cười, lại là một cuốn sách ngâm giấm trên kệ của mình, trong khi chồng đã sắp hoàn tất tập cuối cùng của Lộc Đỉnh Ký. Chồng là một bé trai manly hư đốn, bị Kim Dung thuốc nên dạo này mở miệng ra toàn là nhả ngọc phun châu, nào là "Quân rùa đen", nào là "Con khỉ già" nào là "Quân rắm chó"... làm mình tốn quá trời xà phòng để rửa miệng cho bạn í. Đồ nít ranh!!
Mình là vô địch đọc sách nhí nhảnh kiểu này.
Vậy là tiến bộ lắm dzồi ợ. Lúc trước còn đọc toàn Meg Cabot cơooo!!
Đùa, nhưng thiệt tình là phải đi tập tập tập. Cái đầu lúc này ngột ngạt quá. Cả hai cứ xoay vòng tròn Đi làm - Ăn - Ngủ như một con cún chơi trò cắn cái đuôi....
Bún nước lèo Cà Mau
Gia đình chồng mình là người Bắc, rong ruổi sao lại chọn Cà Mau làm chốn dừng chân.
Mỗi lần về quê, sáng sáng, lại được chồng chở đi ăn bún nước lèo. Hai vợ chồng thường ghé vào những quán nhỏ bình dân gần khu chợ, ăn mỗi đứa một tô, gọi thêm ly cà phê sữa đá, rồi ngồi ngắm nghía mê mải phố phường buổi sáng trong trẻo thanh bình, xe cộ chạy qua lại lác đác...
Có hôm, nổi cơn thèm, sau buổi cơm tối, đèo theo một đứa cháu, ba đứa len lén chuồn đi ra quán Huỳnh Long ăn mãnh, rồi chạy vòng vèo trên những con đường thẳng tắp mới xây mà người địa phương vẫn gọi là "đường đèn vàng", cho đến gần hết xăng mới về....
Và cứ liên tục như vậy suốt cả kỳ nghỉ, sáng - tối đều bún nước lèo, đến nỗi cả nhà thấy hai đứa nhón chân lên xe là phì cười, biết tỏng là cậu mợ đi đâu ngay..
Công thức này nấu theo kiểu Cà Mau, không khác lắm so với công thức của bún nước lèo Bạc Liêu, Sóc Trăng, nhưng giản dị hơn: chỉ có tép bạc đất + cá, hoặc một trong hai thứ trên. Trang trí bằng hẹ + bì + rau thơm. Món ăn mang hương vị đặc trưng như nước trong, thơm mùi mắm, sả, ngãi bún, so với món bún mắm vẫn hay ăn ở Sài Gòn vốn nấu hơi đậm, và thường kèm theo thịt heo quay, mực, đôi khi có cả...nghêu và chả cá!!
Hình này giống một tô bún nước lèo ở Cà Mau nhất.
Chỉ có tôm, cá (thiếu bì). Rau thơm, tắc và ớt bỏ trực tiếp vào tô.
Có khi vớt ớt ra không kịp, ăn cay muốn chết!
NGUYÊN LIÊU (CHO 10 TÔ LỚN):
Mắm sặc ngon: 500g
Tép bạc đất : 500g
Cá lóc : 700g / 1 con
Bì, thính.
Ngải bún: 200g, đập dập
Sả: 5 cây, đập dập
Dừa xiêm: 2 trái
Hẹ: 100g
Giá: 200g
Rau ghém: rau sống, bắp chuối, rau muống…
Chanh, ớt
Muối, đường
Bún.
CÁCH LÀM:
Mắm sặc nấu với 1 lít nước, sôi hớt bọt kỹ, lọc bỏ xương lấy nước. Cho nước mắm vào nấu chung với nước luộc tép, cá, nước dừa xiêm và thêm nước lã cho đủ 10 tô.
Sau đó cho ngải bún, sả cây vào nấu sôi, đây là giai đoạn quan trọng phải hớt bọt thật kỹ thì nồi nước lèo mới trong. Nêm nếm lại cho vừa ăn là được.
TRÌNH BÀY:
Cho bún đã trụng vào tô, xếp cá đã gỡ bỏ xương, tép, cho thêm hẹ cắt khúc cỡ 2cm lên trên mặt. Múc nước lèo sôi cho vào tô ăn kèm với rau ghém, chanh, ớt.
Hihihi...
1. Heo con hỏi heo mẹ: Sao mẹ không mang hài cốt của cha về thờ cúng hả mẹ?? Heo mẹ buồn bã: Biết hài cốt cha con nằm trong gói hạt nêm nào mà tìm hả con!!!
2. Nếu bạn chạy đua với cầm thú bạn sẽ thắng hay thua ? .........................nếu thắng >> bạn còn hơn cả cầm thú,........ nếu thua >> bạn không bằng cầm thú........................ bạn chạy bằng cấm thú >>>> bạn ko khác jì cầm thú ....................
3. Đại hiệp rớt xuống giếng và tìm đc 1 quyển bi kíp "Uất Ức thần Chưởng", thích chí lật ra xem, trang đầu tiên ghi : muốn luyện võ công này phải tự ...thiến, đại hiệp liền rút kiếm ra ...rẹt rẹt...., sau khi. ... xong đại hiệp lật sang trang thứ 2, có một dòng chữ nhỏ ghi như sau: không thiến cũng không sao !!!!
4. Mày kiếm đâu ra cái xe đạp này vậy". Cậu kia trả lời: "Hôm qua, trên đường đi học về, tao đang đi trên đường bỗng có một đứa con gái cùng trường phóng xe đến chỗ tao, quăng xe xuống, cởi hết quần áo ra, nằm xuống bãi cỏ và nói: "em cho anh tất cả những gì anh muốn", "thế là tao lấy ngay cái xe đạp". Cậu kia gật gù:" Ừ mày chọn thế là khôn đấy, dù sao thì mày cũng ko mặc vừa quần áo của nó".
5. Về mặt triết học: Vợ là một thực thể độc lập tồn tại bên ngoài ta, ngoài ý muốn của ta. Về mặt kinh tế: Vợ là ngân hàng vô luật pháp, không thể lệ: gửi vào thì dễ, rút ra thì khó mà không thể kiện cáo gì được. Về mặt tài sản: Vợ là cái gì rất cũ mà không thể thanh lý được. Về mặt xã hội: Vợ là cá nhân tự do, tình nguyện về chung sống với ta nhưng lại luôn tố cáo ta làm mất tự do của cô ấy, và nếu như ta trả lại thì lại không nhận. Về mặt cổ học: Vợ là loại đồ cổ càng để lâu càng mất giá. Về mặt sinh học: Vợ đáng sợ hơn mãnh thú, vì họ là sư tử.
6. Đàn ông = Ăn + ngủ + kiếm tiền. Heo = Ăn + ngủ. Vì vậy, Đàn ông = Heo + kiếm tiền. Suy ra, Đàn ông - kiếm tiền = Heo. Nói cách khác, ...thôi, nói nữa chắc bị đánh, hehe!
7. Một bệnh nhân tâm thần nằm trên giường hát, hát một lúc, bèn úp nguời lại hát tiếp. Bác si hỏi: " Mày hát thì hát, sao lại lật nguời lại làm chi chứ?" . Bệnh nhân: "Ðồ ngu, mặt A hát xong đương nhiên phải tới mặt B chứ!"
Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!!!
Cao lầu Hội An
Sáng nay đi chợ bị cháy giáo án, đầu óc náo loạn một hồi thì tự động chạy chương trình Cao lầu Hội An luôn!! Chắc do vừa đi ăn cách đây vài tối...
Nấu vừa kịp để cả nhà ăn sáng. May mắn một điều là do gia đình mình sống ở khu nhiều người miền Trung, nên mua được sợi mì cao lầu ở chợ. Không ngon bằng mì cao lầu chính hiệu tại Hội An, nhưng có cũng là quý lắm rồi rồi... Bất đắc dĩ, vẫn có thể thay thế bằng sợi mì Udon. Tệ hơn, thì dùng mì quảng vậy... (sư phụ mà biết, chắc mình bị thọ hình luôn quá, hehe, toàn xúi dại không à, không có lập trường gì hết!).
Nguyên liệu: cho 6 người ăn
- 500g thịt đùi heo
- 1/2 lít nước dùng nấu từ xương heo, lược lấy nước trong
- 1kg sợi mì cao lầu (tươi), nếu khô cần 1/2kg
- Gia vị: ngũ vị hương, tỏi băm, nước tương, tiêu, hạt nêm từ thịt, đường, tương ớt Hội An, dầu ăn
- Rau ăn kèm: bắp chuối, giá sống, cải con, tần ô, rau thơm, các lọai rau húng, quế...
Thực hiện:
- Rửa sạch thịt, để nguyên miếng, ướp với 1/2 thìa cà phê ngũ vị hương, 1 thìa cà phê tỏi băm, 4 thìa súp nước tương, 1 thìa cà phê tiêu, 2 thìa cà phê hạt nêm từ thịt, 4 thìa súp đường. Để khoảng 30 phút cho thịt ngấm đếu gia vị.
- Đun nóng dầu, cho thịt vào chiên vàng. Cho hết phần nước ướp vào, rim với lửa nhỏ.
- Nước rim thịt vừa cạn, cho nước dùng vào rim khoảng 40 phút, nêm lại gia vị vừa ăn.
- Thái mỏng thịt xá xíu.
- Thái nhỏ hành lá, ngò rí
- Rửa sạch các loại rau ăn kèm.
Thưởng thức:
- Trụng mì cao lầu với giá cho ra tô, xếp thịt xíu lên trên, chan nước xíu sao cho vừa xăm xắp tô mì. Rắc hành lá, ngò rí.
- Dùng kèm các loại rau sống, rau thơm, chấm thêm tương ớt Hội An.
Miến lươn chiên
Khẩu phần: 6 người
Nguyên liệu:
500g xương ống, rửa sạch
500g miến dong, ngâm nước cho mềm
1 khúc gừng, đập dập
2 củ hành tím, đập dập
1/2 củ hành tây, cắt miếng mỏng
3 nhánh hành lá cắt sợi
1/2 chén rau răm, cắt nhỏ
2 muỗng canh hành phi
3 muỗng canh hạt nêm từ thịt Knorr
1/2 muỗng cà phê tiêu xay
1/2 chén bột bắp
500 ml dầu ăn
Ăn kèm
Thực hiện
Mẹo vặt:
Tác dụng của thịt lươn: thịt lươn giàu đạm và các nguyên tố vi lượng canxi, magiê, sắt, phốtpho, vitamin B1, B2, B6 và vitamin D. Thịt lươn có tác dụng bồi bổ khí huyết, giảm mệt mỏi và chống thiếu máu.
Bún cá ngừ
Vật liệu (chuẩn bị cho 4 người ăn):
Cá ngừ: 400g (4 lát).
Thơm: 1/4 quả.
Rau sống (xà lách cắt vừa, trộn rau thơm tùy thích) + rau muống ngắt lá.
Bún tươi: 1kg.
Nước mắm, muối, tiêu, đường, hạt nêm.
Hành tím, hành lá, ngò, ớt sừng, ớt bột.
Nước dừa
Cách làm:
– Rửa sạch cá ngừ xắt lát, ướp qua với muối và bột nêm.
_Hành tím cắt lát mỏng theo chiều ngang. Hành, ngò thái nhỏ
_Thơm cắt lát theo hình tam giác. Xào sơ thơm.
– Đặt nồi lên bếp, cho dầu vào, chờ nóng, cho hành tím, đầu hành lá + ớt sừng đập dập vào phi thơm, bỏ tiếp cá vào vào xào cho săn và thấm gia vị.
_ Thêm nước dừa (tùy ý, chính thống thì cho nước lọc, nhưng tớ thích quậy phá với nước dừa cho đỡ buồn). Nước sôi, cho thơm đã xào chín vào nồi, nêm với nước mắm, muối và chút đường cho vừa miệng. Chờ cá chín, nhắc nồi xuống, cho hành lá vào.
– Khi ăn, cho bún vào tô, múc lát cá ngừ đặt lên mặt tô và chan nước lên trên. Bày ớt đập dập lên mặt cá, xếp cọng hành bên cạnh, rắc thêm tiêu. Bún cá ngừ ăn với rau sống hoặc rau muống ngắt bỏ lá.
_Dùng nóng.
Bò nhúng dấm
Dành cho 2 người ăn
Nguyên liệu
- 400 gr bò phi lê, thái mỏng to bản
- 1 củ hành tây, thái lát mỏng
- 500 ml giấm trắng
- 1 trái dừa xiêm
- 2 quả khế chua cắt lát mỏng
- 2 trái chuối chát cắt lát mỏng (chuối và khế ngâm vào nước có pha ít chanh và giấm để tránh bị thâm)
- 1 trái thơm chín, ngọt.
- 100 ml mắm nêm
- Sả, ớt, tỏi bằm nhỏ
- 1kg bún tươi hoặc bánh hỏi tùy ý.
- Rau sống, bánh tráng cuốn
- Tiêu, chanh, đường, bột nêm
Cách làm:
1. Nước dùng: pha giấm với nước dừa xiêm, 3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê dầu ăn, 1 muỗng cà phê bột nêm và ½ chỗ hành tây, nêm chua ngọt vừa ăn.
Kinh nghiệm xương máu: đừng bao giờ mua mắm nêm pha sẵn, đầy bột ngọt và gia vị rất kinh dị mà nên mua ở các quầy bán mắm ngon và chịu khó pha chế ở nhà. Công phu một chút nhưng xứng đáng! ;D
Nấu 50ml mắm nên trên bếp cho sôi, lọc kỹ + 1/2 trái thơm bằm vắt lấy nước + 1/2 trái thơm chín băm nhuyễn + nước sôi vừa đủ cho mắm loãng ra và có vị mặn ngọt dịu, sau cùng cho thêm ít đường; tỏi và ớt băm tùy khẩu vị.
3. Bày thịt bò ra đĩa, để hành tây lên trên, bày các thứ: bún tươi, rau sống, khế, chuối xanh lên bàn. Đun sôi nước dùng, nhúng thịt bò vào rồi cuốn với rau sống.
Bò càng mềm càng ngon. Ngon nhất vẫn luôn là phi lê.
Rau sống các loại. Thơm, dưa leo, khế và chuối chát không thể thiếu.
Anyway, bò nhúng dấm ở Hoàng Ty cũng sử dụng rau này. Càng ngon chứ sao!
Chẹp chẹp, beautiful!!!
Mì Quảng cá lóc
Nói đến mì Quảng thì nói hoài không hết chuyện. Và kết thúc câu chuyện về mì Quảng giữa 2 người Quảng với nhau, thế nào cũng đi đến hai option: một là dằn dỗi ấm ức, hai là kéo rốc nhau đến một quán mì Quảng ruột để kiểm chứng kết quả hội nghị.
Mình thích mì Quảng gà nhất, vẫn cho là nó ngon hơn mì Quảng tôm thịt. Nhưng đến một bữa nọ trời mưa, ghé vào một quán ở bên đường, ăn tô mì Quảng cá lóc, thì đột nhiên cái đầu tăm tối của mình sáng đèn trở lại. Dù mình vẫn trung thành với món mì gà, dù mình vốn không quá cực đoan trong chuyện ăn uống, món ăn vùng nào miễn ngon là mình khoái trá xơi tuốt, nhưng cũng thấm thía một điều: để nấu ăn ngon, phải là một quá trình nếm trải. Bạn không thể chủ quan khi nói rằng món tôi nấu ngon nhất, khi bạn chưa thử hết những kỳ hoa dị thảo bên ngoài. Một công thức nấu ăn cũng vậy, ai có thể nói rằng mình là tác giả độc quyền của nó, khi bản thân các món ăn đã là sự pha trộn và biến đổi không ngừng của lý thuyết, kinh nghiệm và khẩu vị nêm nếm rất khác biệt của từng người nấu khác nhau...
Mình đã may mắn được gặp nhiều người nấu ăn ngon: đầu bếp ở các khách sạn lớn, các chủ tiệm, các giảng viên dạy nấu ăn và cả những nghệ nhân tài hoa thầm lặng dành cả đời mình trong những gian bếp gia đình.... Qua năm tháng, kinh nghiệm đã tạo nên cho họ một sự tự tin vững chắc, đôi khi lên đến cực đoan. Nhưng điểm cực kỳ đáng quý ở họ đó là sự say mê học hỏi, học hỏi lẫn nhau, tò mò, kín đáo, cách này hay cách khác. Không như những lĩnh vực khác, trong nấu ăn, các đầu bếp có thể tự hào nói rằng món này tôi nấu ngon nhất, vì sự tự hào rất hiển nhiên của bản thân họ, nhưng không bao giờ dè bĩu nhau rằng người nọ người kia "mần ăn không ra gì...". Không ai có thể buột miệng thốt ra như thế. Họ không dám! Còn người "dám", thì hẳn chỉ là những tay mơ!
Vì tất cả những ai đeo đuổi con đường nấu ăn một cách nghiêm túc đều hiểu rằng, trước khi đi đến sự cực đoan, trước hết, họ phải có một tâm hồn rộng mở. Phải nếm trải, phải chiêm nghiệm. Có như thế, mỗi món ăn họ làm ra mới thật sự thăng hoa và mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo và cảm nhận tinh tế....mà đôi khi chính họ, bản thân họ, đôi khi, cũng không thể lặp lại lần thứ hai...
[đang tán dóc về món mì Quảng, lại trượt dài sang chuyện vĩ nhân, hô hô ;D]
MÌ QUẢNG CÁ LÓC
Nguyên liệu:
- 400g thịt gà ta
- 800g mì Quảng
- Rau sống: xà lách, búp chuối, rau thơm các loại
- 50g nén
- Ớt, chanh
- Bánh tráng nướng
- Đậu phộng rang
- Gia vị
Cách làm:
1. Thịt gà chặt miếng vừa ăn, ướp gia vị. Khử nén thơm, cho gà vào đảo, rim gà trong khoảng 15 phút, vớt gà ra, châm thêm nước vào phần nước rim còn lại nấu thành nước lèo để chan mì.
Biến tấu từ bánh phở
Mấy món phở này nấu để ăn sáng Chủ Nhật được nè. Nhanh, gọn, nguyên liệu có thể vét từ tủ lạnh trước khi đi chợ cho tuần mới...
Hình và công thức sưu tầm
PHỞ CHUA
Nguyên liệu:
- Bánh phở tươi
- Bao tử heo
- Thịt gà hoặc thịt vịt quay
- Lạp xưởng
- Gan heo
- Thịt ba chỉ
- Khoai tây chiên
- Đồ chua, ớt tóp mỡ, xà lách, húng quế, húng cây, ngò gai, giá
- Ngũ vị hương, dấm, muối, đường, bột ngọt, ớt, bột nêm, tỏi xay, nước mắm.
Cách làm
1. Tạo nước sốt bằng cách trộn các hỗn hợp dấm, đường, nước mắm, ngũ vị hương, tỏi xay, nấu cho cô đặc lại (nêm theo khẩu vị).
2. Bao tử heo, khía thịt ba chỉ chiên giòn rồi thái móng. Cho tất cả vào tô và chan nước sốt trộn đều. Dùng kèm với đồ chua, ớt tóp mỡ.
Hình và công thức sưu tầm
PHỞ TÔM
Nguyên liệu:
- Bánh phở tươi
- Thịt tôm nõn
- Nước súp được chế biến từ nước hầm tôm (có gia vị hoa hồi), hành lá, hành tây.
Cách làm
1. Trụng bánh phở cho vào tô, sau đó cho tôm nõn, hành lá, hành tây thái mỏng vào tô, chế nước súp hầm vào.2. Dùng chung với rau phở thường.
PHỞ BÒ NƯỚNG
Nguyên liệu:
- Bánh phở tươi,
- Thịt bò
- Xà lách, quế, ngò gai, húng cây, dưa leo, đậu phộng, hành phi, sả xay, tỏi xay, ớt sa tế, nước mắm, mè trắng, tiêu đen, đường, bột nêm.
Cách làm:
1. Bánh phở tươi áp chảo (cháy sém), thịt bò nướng (sau khi ướp với sả xay, tỏi xay, ớt sa tế, nước mắm, mè trắng, tiêu đen, đường, bột nêm), trộn đều lại.
2. Dùng chung với nước mắm ớt chua ngọt và rau thơm.
Hình và công thức sưu tầm
PHỞ BÒ CAY
Dành cho 4 người ăn.
Nguyên liệu:
- 300 gr bắp chuối bò
- 300 gr gàu bò
- 01 củ hành tây
- Cà chua đặc
- 01 kg bánh phở
- Rau thơm, tương ớt, giá sống, gia vị.
Nếu muốn nước phở ngọt và đậm đà hơn, bạn có thể ninh 01 kg xương ống để lấy nước dùng nấu phở.
Cách làm:
2. Đun mỡ nóng cho hành tỏi xào vàng rồi cho thịt bò vào đảo đều 15 phút.
3. Đổ nước vào xâm xấp thịt, nêm gia vị đun lửa nhỏ khoảng 1 giờ. Cho một ít tương ớt và bột đao cho nước hơi sền sệt.
4. Chần bánh phở nóng vào tô, chan nước sốt và thịt bò ngập bánh phở, rắc hành lá, hành tây xắt sợi lên trên thịt. Dùng ăn kèm với chanh tươi, rau thơm và giá sống.